Cha mẹ nên làm gì khi trẻ hay ném đồ đạc?

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ hay ném đồ đạc?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Trẻ hay ném đồ đạc lung tung khiến ba mẹ rất bực mình và không biết nên làm như thế nào để xử lý vấn đề này. Cùng Mykingdom tìm hiểu nguyên nhân và cách để dạy bé ngừng ngay hành động này nhé!

Nguyên nhân trẻ hay ném đồ đạc

Ba mẹ không nên cho rằng các hành động của con trẻ đều là vì con thích và không có mục đích gì. Việc trẻ hay ném đồ đạc thật ra xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, bạn có thể tham khảo các dấu hiệu bên dưới để xem xét lý do và có sự điều chỉnh trong cách dạy con cho phù hợp.

Trẻ muốn khám phá thế giới xung quanh

Trẻ nhỏ thích khám phá những điều mới mẻ và học hỏi thông qua việc thử nghiệm. Khi còn vài tháng tuổi, trẻ bắt đầu mút tay và đồ chơi để khám phá. Đến khi lớn hơn một chút, con tìm hiểu thông qua việc cầm, nắm, cũng như quăng đồ đạc. Khi ném đồ vật, trẻ quan sát cách chúng di chuyển, rơi hay vỡ, từ đó hiểu về nguyên nhân và kết quả, và nhanh chóng nắm bắt thông tin về môi trường xung quanh.

Trẻ quăng đồ đạc đôi khi chỉ là hành động để khám phá thế giới

Còn một nguyên nhân khác của việc trẻ hay ném đồ đạc, đó là do con chưa biết cách sử dụng chính xác. Bởi vì những đồ vật ấy trong mắt trẻ không có giá trị sử dụng, vậy nên con có xu hướng quăng đồ đi. Thêm vào đó, trẻ có thể thấy thích thú với âm thanh mà đồ vật phát ra khi rơi xuống. Mỗi món đồ sẽ tạo ra âm thanh khác nhau, do đó trẻ sẽ ném nhiều đồ vật hơn để trải nghiệm và nghe các âm thanh khác nhau.

Ba mẹ cũng lưu ý, trẻ ở tuổi này rất thích bắt chước theo hành động của người lớn. Hành động ném đồ của con đôi khi lại xuất phát từ chính chúng ta đấy. Ví dụ, khi thấy phụ huynh quăng quần áo vào máy giặt, con cũng muốn học quăng theo, từ đó tạo thành thói quen trẻ hay ném đồ đạc.

Trẻ đang thể hiện cảm xúc

Khi con ném đồ vật đi, người lớn sẽ quay lại nhìn và nhắc nhở con. Vì vậy, trẻ có thể ném đồ chỉ vì muốn thu hút sự quan tâm của ba mẹ hoặc người lớn xung quanh. Cách thể hiện này sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi con nhận thấy rằng việc ném đồ đã mang lại kết quả và sự chú ý như mong muốn.

Trẻ sẽ quăng đồ đạc nếu con cần thêm sự chú ý từ người xung quanh

Trẻ hay ném đồ đạc cũng có lẽ là đang tìm một loại trò chơi để giải trí. Sau một thời gian chơi với các loại đồ chơi được ba mẹ mua cho, con có thể thấy nhàm chán và cần tìm kiếm một món đồ chơi mới. Khi hành động ném đồ khiến con cảm thấy thú vị, con sẽ không ngừng lặp đi lặp lại việc làm này cho đến khi chán mới thôi.

Cũng có trường hợp con quăng đồ để diễn đạt những cảm xúc khó có thể nói nên lời. Khi con cảm thấy buồn bã, chán nản hay tức giận nhưng lại không thể nói ra, con sẽ thấy bức bối và khó chịu. Lúc này, hành động quăng đồ đạc sẽ khiến con cảm thấy dễ chịu vì được giải phóng cảm xúc.

Cách xử lý khi trẻ ném đồ đạc

Phụ huynh cần dùng giọng nói nhẹ nhàng để giải thích cho trẻ hiểu rằng đồ đạc dùng để sử dụng, không phải để ném. Ba mẹ nên nêu rõ cho trẻ biết những hậu quả của việc ném đồ, như đồ đạc sẽ vỡ, hỏng hoặc thậm chí khiến con bị thương. Việc quát mắng hay tức giận sẽ khiến mọi chuyện phát triển theo chiều hướng tiêu cực. 

Khi trẻ hay ném đồ đạc, bạn cần lấy đi đồ vật đó và không cho con sử dụng nữa. Khi ba mẹ đặt ra quy tắc: nếu trẻ tiếp tục ném đồ, đồ vật sẽ bị thu hồi, con sẽ nhận thức được rằng hành vi ném đồ sẽ khiến trẻ mất đi rất nhiều thứ. Dần dần, con sẽ không quăng đồ đạc nữa. Mỗi khi con có tiến bộ, ba mẹ đừng quên dành cho con những lời khen ngợi và khích lệ nhé.

Việc khích lệ khi con ngoan ngoãn sẽ giúp con ngưng lặp lại các hành động chưa tốt

Sau khi con quăng đồ vật, ba mẹ có thể yêu cầu con cùng dọn dẹp. Quá trình này sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc ném đồ. Con cũng hiểu rằng những vật bị hỏng không thể trở lại như cũ được. Cảm giác mất mát sẽ khiến con giảm thiểu việc ném đồ đạc.

Quan trọng nhất, ba mẹ cần tìm hiểu hành vi của trẻ để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Hãy dành ít phút trò chuyện cùng con, vỗ về cảm xúc và dạy con cách biểu đạt những cảm xúc ấy bằng lời thay vì ném đồ đi. Ba mẹ sẽ là người đồng hành tốt nhất trong quá trình phát triển cảm xúc của con trẻ. Bằng cách áp dụng những biện pháp này và có sự kiên nhẫn, đồng cảm, bạn có thể xây dựng thói quen tốt cho trẻ và ngăn ngừa trẻ hay ném đồ đạc.

 Chơi trò ném đồ cùng với con 

Bạn hoàn toàn có thể biến việc trẻ hay ném đồ đạc thành hoạt động giúp con phát triển vận động. Thay vì để con quăng đồ lung tung, ba mẹ có thể đặt 1 chiếc thùng cát tông trong phòng và khuyến khích con ném đồ chơi đã chơi xong vào. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể kết hợp trò chơi khác như thi đua ai ném xa hơn, hay cố gắng ném bóng vào đúng màu nào đó. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng vận động mà còn khuyến khích tinh thần cạnh tranh và sự phát triển của khả năng tư duy logic.

Ngoài ra, ba mẹ nên đưa trẻ ra sân chơi mỗi ngày và hướng dẫn con chơi bóng rổ. Trong quá trình ném bóng vào rổ, con có thể phát triển chiều cao, sức khỏe và cân đối cơ thể. Chơi bóng rổ cũng giúp trẻ rèn luyện sự linh hoạt và phối hợp giữa tay và mắt, cải thiện khả năng tập trung và nâng cao kỹ năng thể thao.

Chơi bóng rổ là hoạt động “ném đồ đạc” có ích cho sự phát triển của trẻ

Việc trẻ hay ném đồ đạc thường là do các nguyên nhân trên. Sau khi đã hỗ trợ và dẫn dắt nhưng con vẫn không ngừng hành động này lại, ba mẹ có thể xem xét dắt con đi khám bác sĩ tâm lý.