Gợi ý 7 trò chơi rèn luyện trí nhớ cho trẻ mầm non hiệu quả

06.06.2023   BTV phuong.ngothikim
Gợi ý 7 trò chơi rèn luyện trí nhớ cho trẻ mầm non hiệu quả

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Cha mẹ có biết, giai đoạn phát triển trí nhớ mạnh mẽ nhất của trẻ chính là từ 2-4 tuổi. Theo nhà giáo dục người Ý Montessori, trẻ từ 2-4 tuổi có khả năng tiếp thu rất nhanh những sự việc xảy ra xung quanh, ngay cả khi chúng vô thức thì vẫn tiếp thu được nhiều thông tin và lưu trữ trong trí não.

Đối với trẻ 1 tuổi, những ký ức thường được lưu lại trong vòng vài ngày. Trẻ 2 tuổi thì ghi nhớ trong vòng vài tuần. Trẻ 3 tuổi có thể nhớ trong vòng vài tháng. Đỉnh điểm của khả năng ghi nhớ này có thể đạt được khoảng năm 7 tuổi.

Bên cạnh sự chi phối của yếu tố gen di truyền, thì việc áp dụng các cách rèn luyện trí nhớ đúng chuẩn sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh và ghi nhớ hiệu quả. Mời ba mẹ cùng tham khảo 7 trò chơi rèn luyện trí nhớ đơn giản mà cực kỳ thú vị sau đây.

1. Trò chơi lật hình ghép tranh

Cần chuẩn bị: Các tấm thẻ ảnh để ghép với nhau tạo thành bức ảnh hoàn chỉnh.

Cách chơi: Xáo trộn toàn bộ các tấm thẻ ảnh. Sau đó rải thẻ ra và đặt úp xuống mặt bàn. Trẻ sẽ chọn 2 thẻ một lần một cách ngẫu nhiên.

Nếu 2 thẻ được chọn ghép thành một bức ảnh hoàn chỉnh, thì trẻ sẽ được chơi lượt tiếp theo. Còn không thì phải úp 2 thẻ đó vào vị trí ban đầu. Lượt chơi sẽ chuyển qua người kế tiếp.

Trò chơi rèn luyện trí nhớ này đòi hỏi trẻ phải ghi nhớ vị trí nội dung các tấm thẻ. Người chiến thắng là người ghép được nhiều cặp thẻ hoàn chỉnh nhất.

2. Trò chơi mua sắm

Cần chuẩn bị: Các vật dụng quen thuộc trong nhà hay đồ chơi đồ dùng gia đình.

Cách chơi: Mỗi người chơi lần lượt đọc tên món đồ mình cần mua đã chuẩn bị sẵn. Người kế tiếp phải chọn món đồ không được trùng với món đồ đã chọn, nếu không sẽ bị mất lượt. Lượt chơi cứ như vậy cho đến khi hết các đồ dùng. Người nào ghi nhớ tên và mua nhiều đồ dùng nhất sẽ giành chiến thắng.

Đây là trò chơi rèn luyện trí nhớ mang tính giải trí cao. Bé không chỉ nhận biết được nhiều đồ vật mà còn gia tăng sự tập trung và khả năng ghi nhớ.

3. Trò chơi tìm điểm khác biệt

Cần chuẩn bị: Hai bức tranh gần giống nhau, chỉ khác nhau ở vài điểm

Cách chơi: Trẻ quan sát cả hai bức tranh thật cẩn thận để tìm ra điểm khác biệt giữa chúng. Mỗi lần trẻ phát hiện ra điểm khác biệt thì dùng bút khoanh tròn vào vị trí đó.

Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể tăng độ khó của trò chơi rèn luyện trí nhớ này bằng cách giới hạn thời gian. Chắc chắn trẻ sẽ vô cùng hào hứng lại được cải thiện sự tập trung và trí nhớ hiệu quả.

4. Trò chơi tìm đồ vật biến mất

Cần chuẩn bị: Một số vật dụng gia đình nhỏ gọn như thìa, đũa, khăn, chìa khóa, điều khiển tivi... Hoặc ba mẹ có thể tận dụng những món đồ chơi quen thuộc của trẻ như búp bê, thú bông, ôtô, mô hình các con vật...

Cách chơi: Hãy yêu cầu trẻ quan sát các vật dụng, đồ chơi đã chuẩn bị. Ba mẹ cùng trẻ gọi tên, mô tả màu sắc, hình dáng, công dụng của từng món.

Sau đó dùng tấm khăn che các vật dụng lại và yêu cầu trẻ nhắm mắt. Trong khi đó, ba mẹ lấy đi 1 món đồ dưới tấm khăn. Nhiệm vụ của trẻ là phát hiện đồ vật gì đã biến mất.

5. Trò chơi ảo thuật với chiếc cốc

Cần chuẩn bị: 3 chiếc cốc y hệt nhau, 1 quả bóng hoặc món đồ chơi nhỏ.

Cách chơi: Ba mẹ đặt 3 chiếc cốc thẳng hàng trên mặt bàn. Cho quả bóng hay đồ chơi dưới 1 chiếc cốc. Sau đó bắt đầu đảo vị trí 3 chiếc cốc thật nhanh.

Với trò chơi rèn luyện trí nhớ này, trẻ phải có sự quan sát nhanh nhạy mới có thể chọn được chiếc cốc có chứa quả bóng hay đồ chơi bên dưới. Ba mẹ cũng có thể tham khảo những món đồ chơi ảo thuật thần bí vô cùng hấp dẫn để tạo sự hứng thú và rèn luyện khả năng ghi nhớ của trẻ.

6. Trò chơi ghi nhớ các chi tiết trong hình

Cần chuẩn bị: Một bức tranh nhiều chi tiết có chứa hình ảnh con người, đồ vật, con vật, cây cỏ...

Cách chơi: Nhiệm vụ của trẻ là quan sát bức tranh và xác định số lượng hay tên gọi các hình ảnh nhân vật có trong tranh. Ba mẹ sẽ đặt câu hỏi và yêu cầu trẻ ghi kết quả ra giấy.

Trò chơi rèn luyện trí nhớ này khá đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Nó sẽ giúp trẻ rèn luyện trí nhớ ngắn hạn và tạo sự gắn kết với cha mẹ.

7. Trò chơi viết lên lưng

Đây cũng là trò chơi rèn luyện trí nhớ khá thú vị mà ba mẹ và bé có thể chơi ở bất cứ đâu. Ba mẹ dùng ngón tay viết 1 từ hoặc chữ số trên lưng bé. Nhiệm vụ của bé là đoán được chính xác từ hoặc chữ số đó là gì.

Trò chơi này đòi hỏi trẻ có sự cảm nhận về mặt thể chất mới có thể hình dung hình ảnh được tạo ra. Từ đó trẻ sẽ nhận dạng đúng từ và chữ được viết trên lưng.

Với những trò chơi rèn luyện trí nhớ được gợi ý trên đây, hi vọng ba mẹ và bé có những giờ chơi thật vui và tràn ngập tiếng cười. Thông qua đó trẻ được cải thiện sự tập trung, tăng khả năng ghi nhớ để dễ dàng thành công trong học tập và cuộc sống sau này. Đừng quên theo dõi mục "Cẩm nang" của Mykingdom để xem thêm nhiều bài viết hữu ích khác.