Làm thế nào để phát triển vận động tinh ở trẻ nhỏ?

06.06.2023 BTV dieu.tranthi
Làm thế nào để phát triển vận động tinh ở trẻ nhỏ?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Vận động tinh là loại vận động liên quan tới các nhóm cơ nhỏ, vô cùng quan trọng trong việc phát triển sau này của trẻ. Vậy vận động tinh phát triển như thế nào qua các độ tuổi? Làm thế nào mới có thể rèn luyện cho trẻ kỹ năng này ngay tại nhà? Cùng khám phá bài viết để được giải đáp các thắc mắc trên.

Vận động tinh là gì và tầm quan trọng của loại vận động này?

Sự vận động của mỗi người chia thành vận động tinh và vận động thô. Thông thường, các bé sẽ thành thục vận động thô trước, tức là các hoạt động liên quan tới các nhóm cơ lớn như giữ thăng bằng, lăn, bò, trườn, đi bộ…  trước khi bắt đầu phát triển vận động tinh. Trong khi vận động thô giúp trẻ kiểm soát cơ bắp tay và chân, thì vận động tinh giúp trẻ điều khiển các nhóm cơ nhỏ hơn liên quan đến ngón tay, bàn tay.

Việc rèn luyện các kỹ năng thuộc nhóm vận động tinh vô cùng quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động thường ngày. Nếu như trẻ chậm phát triển vận động tinh, con sẽ khó hoàn thành các hoạt động tưởng chừng giản đơn như đánh răng, mặc quần áo, tự cầm thìa ăn cơm… Thành thục kỹ năng vận động tinh đồng nghĩa với việc trẻ có thể độc lập và có thể tự chăm sóc bản thân mình. 

Trẻ có thể tự đánh răng nếu được ba mẹ tập cho từ nhỏ

Rèn luyện là một quá trình dài đẵng đẵng, bởi trẻ chỉ có thể ghi nhớ khi động tác được lặp đi lặp lại đủ nhiều. Phụ huynh cần phải tìm hiểu các cột mốc phát triển vận động tinh để hỗ trợ con “đi” nhanh hơn trên đoạn đường này. Song song với quá trình thành thục vận động tinh, trẻ còn được kích thích các kỹ năng liên quan đến các giác quan. Đồng thời, tư duy, trí tưởng tượng của con cũng dần hình thành. Đây là tiền đề để trẻ khám phá các hiện tượng ở thế giới xung quanh. 

Tìm hiểu các cột mốc phát triển vận động tinh ở trẻ

Sau khi đã thành thục các hoạt động thô, trẻ sẽ bắt đầu bắt chước và thực hiện vận động tinh. Bằng cách lặp đi lặp lại, học hỏi từ người lớn hoặc tiếp xúc với nhiều đồ chơi, nhiều bé đã phát triển kỹ năng này từ lúc chỉ mới vài tháng tuổi. Khi trẻ học mầm non sẽ là lúc ba mẹ cần tham gia vào quá trình tập luyện vận động tinh cho trẻ. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này thì việc thành thục kỹ năng vận động tinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 

  • Giai đoạn từ 0 - 3 tháng tuổi, trẻ có thể phát triển vận động tinh thông qua các động tác đơn giản như đưa tay lên miệng.

  • Giai đoạn từ 3 - 6 tháng tuổi, mức độ phức tạp tăng dần bằng việc trẻ có thể tự nắm, lắc đồ vật bằng hai tay, hoặc chuyền đồ từ tay này sang tay kia. Mẹ có thể rèn luyện bằng cách đưa tay cho con nắm, điều này cũng giúp con quen với hơi ấm của mẹ và cảm thấy an toàn.

  • Giai đoạn từ 6 - 9 tháng tuổi, lúc này trẻ đã có thể chụm các ngón tay để lôi kéo, vỗ tay, bốc thức ăn cho vào miệng hoặc sử dụng cả hai tay để lấy đồ chơi.

  • Giai đoạn 9 - 12 tháng tuổi, trẻ đã có thể cầm đồ chơi bằng một tay, dùng các ngón cái và ngón trỏ để chỉ vào đồ vật. Hơn nữa, trẻ đã có thể dùng hai tay để đập đồ vật vào nhau.

  • Giai đoạn từ 1 - 2 tuổi, đa số các bé có thể xếp chồng đồ vật lên nhau hoặc dùng bút vẽ các đường nguệch ngoạc lên giấy. Nếu có sự hỗ trợ và chỉ dạy của ba mẹ. thì lúc này bé đã có thể tự ăn bằng muỗng.

  • Giai đoạn 2 - 3 tuổi, những bé được phát triển vận động tinh cùng ba mẹ thì sẽ biết cách kỳ cọ tay, tự ăn cơm, thậm chí nhiều bé còn tháo lắp được các đồ chơi đơn giản. Phụ huynh có thể hỗ trợ kỹ năng vận động tinh phát triển mạnh vào giai đoạn này bằng cách cho con chơi các bộ Lego Duplo.

Cùng con chơi Lego Duplo để phát triển vận động tinh

  • Giai đoạn 3 - 4 tuổi, trẻ có thể tự mình hoàn thành sinh hoạt cá nhân như tự mặc quần áo, tự dọn dẹp đồ chơi. Nhiều trẻ còn sử dụng được kéo cắt giấy và vẽ được những vật có ít chi tiết. Ba mẹ nên mua cho con các quyển sổ và bút màu để con thỏa sức sáng tạo, đồng thời luyện tập sự linh hoạt của các ngón tay.

Những cuốn sổ và bút màu sẽ là trợ thủ đắc lực của ba mẹ

  • Giai đoạn 5 - 7 tuổi, bước vào giai đoạn học tiểu học, trẻ có viết, tô màu theo tranh có sẵn một cách nhanh chóng,  khả năng ghi nhớ của con cũng phát triển hơn.

Hướng dẫn phát triển các kỹ năng vận động tinh ở trẻ

Tốc độ phát triển vận động tinh ở mỗi đứa trẻ là khác nhau. Do đó,  bố mẹ nên tạo điều kiện để thúc đẩy các kỹ năng thuộc nhóm vận động tinh trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số hoạt động phụ huynh có thể làm cùng con:  

Trong lúc ăn, ba mẹ nên để trẻ tự khuấy, trộn thức ăn hoặc sắp xếp các đồ vật trên bàn ăn theo ý muốn. Nhiều phụ huynh ngại dọn dẹp nên cứ đút con ăn hết lần này đến lần khác, điều này sẽ làm chậm quá trình thành thục các kỹ năng của con. Thêm vào đó, ba mẹ có thể dạy trẻ cách mở nắp chai, rót nước, cách cầm ly nước lên để uống, hoặc cách cầm bút vẽ những hình đơn giản, ít chi tiết để con tập quen dần với việc sử dụng các nhóm cơ nhỏ.  

Cho con chơi đồ chơi cũng là phương pháp tốt để kích thích phát triển vận động tinh. Các đồ chơi nên có là đồ chơi đất sét, slime, đồ chơi lắp ráp... Lưu ý, ba mẹ nên khuyến khích con tự sắp xếp đồ chơi vào hộp sau khi chơi xong. Việc này không chỉ hỗ trợ phát triển kỹ năng mà còn dạy con biết quý trọng đồ chơi, gia tăng ý thức trách nhiệm.

Đồ chơi lắp ráp vừa giúp bé giải trí vừa phát triển vận động tinh

Kỹ năng vận động tinh đóng vai trò rất quan trọng, quyết định khả năng tự chăm sóc bản thân của con. Vì vậy, ba mẹ nên tham gia vào quá trình rèn luyện để trẻ có thể phát triển vận động tinh trong tốt nhất trong những năm đầu đời