Tết Nguyên Đán 2024 là ngày mấy? Ý nghĩa của ngày lễ này là gì?

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Tết Nguyên Đán 2024 là ngày mấy? Ý nghĩa của ngày lễ này là gì?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Tết Nguyên Đán 2024 đã đến rất gần, người người nhà nhà đều vô cùng trông đợi ngày lễ này. Mykingdom sẽ giúp bạn tìm hiểu xem ngày lễ này bắt đầu khi nào, lịch nghỉ Tết 2024 và ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này nhé.

Tết Nguyên Đán 2024 vào ngày nào?

Tết Nguyên Đán 2024 (năm Giáp Thìn) sẽ rơi vào ngày 10/02/2024 Dương lịch, Mùng 2 rơi vào ngày 11/02/2024 Dương lịch.

Lịch nghỉ Tết của Nhà nước: Từ 8/2/2024 - 14/2/2024 (Dương lịch) tức ngày 29/12/2023 - 5/1/2024 (Âm lịch)

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán hay được gọi là Tết cổ truyền của người dân Việt Nam ta. Thuật ngữ "Tết" mà mọi người thường hay gọi là từ rút gọn để chỉ Tết Nguyên Đán. Hai chữ "Nguyên đán" là một danh từ chữ Hán: "Nguyên" nghĩa là đầu; "đán" nghĩa là buổi sớm; "Nguyên đán" là buổi sớm đầu năm.

Theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", ngày Tết có thể đã xuất hiện từ thời Vua Hùng.Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, "Tết Nguyên đán" ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ "Tết Nguyên đán" cũng được phổ biến từ thời đó. Đến nay vẫn chưa có ai biết rõ nguồn gốc thực sự của ngày Tết, chỉ biết rằng đây là ngày khởi đầu cho mọi thứ trong năm.

Tết Nguyên Đán 2024 là năm Giáp Thìn

Ý nghĩa Tết Nguyên Đán - Tết cổ truyền của dân tộc ta

Tết cổ truyền là ngày lễ vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam, không chỉ mang theo giá trị tinh thần mà còn là một nét văn hóa cổ được lưu giữ từ bao đời cho đến tận ngày nay.

Tết Nguyên Đán là thời điểm giao thoa của đất trời

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên (Cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam) viết: "Ngày này là lúc khởi đầu của một năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu".

Bởi lẽ đó, "người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí, người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó…” Khi năm cũ qua đi và năm mới đến, mọi người sẽ tạm gác lại những dự định còn dang dở của năm cũ, dù đã hoàn thiện hay chưa, để chuẩn bị thật chỉn chu cho năm mới. 

Tết cổ truyền là dịp cầu mong may mắn, tài lộc

Mọi hành động vào ngày đầu năm đều là dự đoán cho năm mới. Đó cũng là lý do người ta thường đi chùa dịp đầu năm để cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe và may mắn cho bản thân cũng như gia đình. Ngược lại, ngày lễ Tết kỵ đòi nợ, vay mượn, làm vỡ chén bát, nói điều xui…

Mọi người thường đi chùa đầu năm để cầu may, cầu tài lộc

Tết Nguyên Đán là dịp đoàn tụ gia đình

Dù có đi xa đến đâu, thậm chí là xuất ngoại thì những người con của Việt Nam vẫn sẽ trở về vào dịp Tết Nguyên Đán để đoàn tụ cùng gia đình. Dù cho chúng ta vốn không định nghĩa được Tết, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt, Tết đại diện cho những buổi sum họp gia đình, là mọi người cùng quây quần trong thời khắc đầu tiên của năm mới.

Ngày nay, các gia đình trẻ và hiện đại chọn những cách đón Tết đơn giản hơn thuở xưa rất nhiều. Các thủ tục cũng được tinh giản so với thời trước, nhưng nhìn chung, Tết ngày nay vẫn luôn giữ được giá trị chung, đó là hướng về cội nguồn.

Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên

Tết Nguyên Đán là dịp tạ ơn thần linh

Những thành quả mà chúng ta đạt được trong năm cũ không chỉ nhờ vào nỗ lực của bản thân, mà còn nhờ vào thần linh phù hộ độ trì, giúp đỡ chúng ta vượt qua tai ương. Vì vậy vào ngày đầu tiên của năm mới, người ta thường làm lễ cúng trả cho thần linh, bày tỏ lòng biết ơn và nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm tới.

Ta thường thấy ba mẹ làm mâm cơm cúng vào đêm Giao Thừa. Mâm cơm cúng ấy vừa là mâm cơm đầu tiên của gia đình, vừa là sự thành tâm cầu nguyện đến Thần Nông, Thổ địa, ông Công, ông Táo,những người thân trong gia đình đã khuất,... mong các Ngài phù hộ cho năm mới làm ăn suôn sẻ và thuận lợi hơn.

Mâm cơm cúng vào Giao Thừa cũng là mâm cơm đầu năm của gia đình

Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của ngày Tết cổ truyền

Tết luôn được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch hằng năm, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở những nước có cộng đồng người Việt đang làm việc và sinh sống. Đối với người Việt mà nói, Tết Nguyên đán giữ một vị trí vô cùng quan trọng và linh thiêng. Trong ngày lễ này, người ta sẽ khoác lên người những bộ quần áo mới đẹp nhất, ăn những món ăn ngon lành dành cho ngày Tết.

Phong tục truyền thống trong ngày Tết cổ truyền

Ngày Tết có rất nhiều phong tục đã được lưu giữ từ bao đời, trong đó chia thành 2 loại phong tục: trước Tết và trong Tết. 

Phong tục trước Tết

Dọn dẹp và trang trí nhà cửa bằng hoa Tết, chậu quất

Chuẩn bị mâm ngũ quả

Gói bánh chưng

Chuẩn bị quần áo mới

Chuẩn bị bánh, kẹo đãi khách

Chuẩn bị cơm cúng

Phong tục trong Tết

Xông nhà đầu năm để lấy may

Chúc Tết

Đi chùa cầu may

Lì xì

Xin câu đối, câu chúc

Trẩy hội.

Lì xì có thể được xem là phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết

Đối với người Việt Nam, Tết chỉ có 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3, thế nhưng bạn sẽ thấy không khí Tết trên mọi nẻo đường khi trước đó 1 tuần mọi người đã cùng đi sắm Tết, mua các chậu hoa như hoa mai, hoa đào về chưng; sắm sửa quần áo mới cho các thành viên trong gia đình; mua nguyên liệu về bánh chưng; muối củ kiệu... Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán 2024, bạn và gia đình đã lên kế hoạch chuẩn bị cho ngày lễ này chưa?