Giá trị của các phong tục ngày Tết tại Việt Nam

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Giá trị của các phong tục ngày Tết tại Việt Nam

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Phong tục ngày Tết năm nào cũng diễn ra và chúng ta đều tuân theo như một lẽ hiển nhiên. Không ai biết người đã lập nên phong tục cũng như năm nào dân ta bắt đầu áp dụng, thế nhưng không thể phủ nhận rằng chính những phong tục cổ truyền ấy mới mang lại cho những ngày đầu năm một bầu không khí đúng nghĩa.

Ý nghĩa phong tục ngày Tết

Phong tục Tết cổ truyền tại Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú bởi nước ta có tới 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đời sống của người Việt thường được gắn bó mật thiết với lúa đồng, quê hương, xóm làng.. đây cũng là những yếu tố chính hình thành nên phong tục ngày Tết từ bao đời, qua đó đề cao sự gắn bó và mối quan hệ tốt đẹp của các thành viên trong gia đình cũng như sự đoàn kết giữa những người trong cùng 1 làng.

Phong tục tập quán Việt Nam là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của nước ta. Dù cho thế giới có liên tục phát triển và trở nên hiện đại thì các phong tục này vẫn luôn được duy trì bởi các thế hệ người Việt mỗi năm. Phong tục tập quán nên được duy trì và phát huy, điều này không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn giá trị truyền thống mà còn là cách chúng ta ghi nhớ về cội nguồn của bản thân.

Phong tục ngày Tết là nét đẹp văn hóa đặc trưng của nước ta

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là câu nói mà năm nào trẻ nhỏ cũng được nghe vào mỗi mùa Tết. Có thể nói bánh chưng là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết, tùy vào điều kiện mỗi gia đình, nhân bánh và thời gian gói cũng khác nhau.

Có nhiều người đã gói bánh chưng từ 23 tháng Chạp, nhưng cũng có nơi 27, 28 tháng Chạp mới bắt tay vào gói. Nhờ việc gói bánh, các thành viên trong gia đình và họ hàng hội tụ hội với nhau, cùng quây quần làm bánh, đồng thời chia sẻ về công việc,...giúp không khí Tết càng thêm ấm cúng và ý nghĩa. Hơn nữa, bánh chưng còn là một món quà Tết thơm thảo, mang đi biếu, tặng thì luôn khiến người nhận cảm nhận được tấm lòng của bạn và trở nên vô cùng vui vẻ

Đôi bàn tay khéo léo của bà và mẹ thoăn thoắt gói bánh chưng

Phong tục bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau, sử dụng những loại hoa trái khác nhau. Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, ông bà tổ tiên và để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.

Tham khảo thêm bài viết: Ý nghĩa và cách trang trí mâm ngũ quả sao cho chuẩn 

Phong tục ngày Tết cúng ông Công, ông Táo

Người ta cho rằng vào mỗi cuối năm, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi lên cá vàng và bay về trời, sau đó bẩm báo những việc đã xảy ra suốt 1 năm qua của gia chủ cho Ngọc Hoàng. Để đưa tiễn, người Việt cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Song song đó là dọn bếp thật sạch sẽ, mua cá vàng để phóng sinh và đốt quần áo, tiền vàng mã cho ông Công, ông Táo.

Phong tục chơi hoa dịp Tết

Những bông hoa tươi thắm đầy màu sắc không chỉ là một biểu tượng cho sự sức sống của ngày Tết, mà còn biểu trưng cho những giá trị phong thủy tốt đẹp, những điều viên mãn sẽ đến với người chơi hoa vào năm mới.

Ở miền Bắc, người ta thường chưng hoa đào, còn miền Nam là hoa mai. Bên cạnh đó, có nhiều gia đình còn chơi quất cảnh. Theo quan điểm thời xưa, những cây quất xum xuê và trĩu quả sẽ mang đến may mắn, thịnh vượng và tài lộc cho gia chủ. 

Các chậu cây, chậu hoa Tết thường được bán từ rất sớm

Tham khảo thêm bài viết: Ý nghĩa phong thủy của 10 loại hoa chưng Tết phổ biến

Phong tục xông đất ngày Tết

Tục xông đất hay được còn gọi là đạp đất, xông nhà là phong tục ngày Tết đã có rất lâu đời tại Việt Nam. Khi xưa người ta cho rằng, nếu người đầu tiên đến chúc Tết gia đình là người hạp tuổi với gia chủ thì chủ nhà sẽ an khang, thịnh vượng, được nhiều tài lộc trong năm mới.

Theo quan niệm của người Việt thì người xông đất đầu năm vô cùng quan trọng, vậy nên nhiều nhà thậm chí còn đi xem bói, để quyết định có nên chọn người đó làm người xông đất hay không. Thời điểm tập tục này diễn ra là ngay sau Giao Thừa và người xông đất thường chọn người vui tính, gặp nhiều may mắn. 

Phong tục lì xì ngày Tết

Lì xì trong tiếng Trung Quốc là phiên âm từ “lợi thị” mang ý nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Chính vì thế, người Việt tin rằng tiền lì xì sẽ đem lại may mắn và những điều tốt lành đến cho trẻ em vào dịp đầu năm, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm..

Trẻ em nào cũng thích nhận được tiền lì xì đầu năm

Phong tục đi chùa, hái lộc

Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính đối với đức Phật, tổ tiên. Trong đêm giao thừa, khi đi chùa người ta thường kết hợp hái lộc để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Phong tục ngày Tết: xuất hành

Vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều gia đình thường lựa chọn xem ngày và hướng may mắn để xuất hành, mong đợi sự thuận lợi đặc biệt trong các lĩnh vực như công việc, kinh doanh, và học tập.

Phong tục dựng cây nêu ngày Tết

Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng đưa ông Công, ông Táo về chầu. Dân gian cho rằng, khi những vì thần bảo hộ gia đình đi vắng thì lũ ma quỷ, những thứ tà ác sẽ lăm le gia đình. Vậy nên cây nêu được dựng lên để xua đuổi chúng và bảo vệ sự bình an.

Theo Trịnh Hoài Đức (vị công thần của nhà Nguyễn) trong cuốn địa phương chí Gia Định thành thông chí: “Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được… Đến này mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi”. Khi xưa, cây nêu chính là biểu tượng đặc trưng của ngày Tết, tuy nhiên phong tục này hiện tại không còn quá phổ biến nữa.

Tục dựng cây nêu không còn quá phổ biến nữa

Phong tục ngày Tết Việt Nam đã có từ bao đời nay và giống như một cách để những người con của đất Việt tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Nếu Tết mà không có lì xì, không gói bánh chưng,... thì hẳn là ai cũng thấy Tết này thiếu đi điều gì đó. Còn bạn, nhà bạn có làm theo toàn bộ các phong tục cổ truyền bên trên không?