Ý nghĩa và cách trang trí mâm ngũ quả sao cho chuẩn

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Ý nghĩa và cách trang trí mâm ngũ quả sao cho chuẩn

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Mâm ngũ quả là một trong những truyền thống tốt đẹp của ngày Tết vẫn được lưu giữ cho đến thời điểm hiện tại. Cho dù bận rộn đến đâu đi chăng nữa, người người nhà nhà đều cố gắng bày một mâm ngũ quả thật tươm tất để chưng Tết. Vậy mâm trái cây ngũ quả mang ý nghĩa quan trọng gì, bạn có biết không?

Ý nghĩa mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên ngày Tết có nguồn gốc từ đạo Phật. Theo quan niệm nhà Phật, 5 màu của các loại quả tượng trưng cho ngũ căn bao gồm: 

- Huệ căn (sáng suốt)

- Niệm căn (ghi nhớ)

- Định căn (tâm không loạn)

- Tấn căn (ý chí kiên trì)

- Tín căn (lòng tin).

Theo quan niệm của văn hóa phương Đông nói chung và của người Việt nói riêng, mâm ngũ quả còn là tượng trưng cho 5 yếu tố của Ngũ hành (yếu tố cấu thành vũ trụ) gồm Kim -  Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đây cũng là lý do mâm trái cây thường có 5 loại quả với tên gọi, màu sắc khác nhau.

Mâm ngũ quả ở mỗi địa phương sẽ mang theo một ý nghĩa khác, nhưng nhìn chung mâm trái cây được chưng vào ngày Tết tượng trưng cho những mong muốn tốt đẹp vào năm mới. Mâm ngũ quả còn là nét đẹp văn hóa được duy trì bao đời của người Việt ở cả 3 miền. Mọi người đều mong muốn dâng những sản vật của vùng miền, những thức quả tinh túy nhất dành cho ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện thành quả lao động cả năm dâng lên bề trên.

Mâm trái cây ngày Tết

Trang trí mâm ngũ quả theo Ngũ hành chuẩn để cầu may mắn cả năm

Nhiều người tin rằng với cách bày biện này thì sẽ phù hợp với phong thủy hơn, mọi việc sẽ luôn hanh thông để có thể đón nhiều tài lộc trong năm mới. Nguyên tắc bày mâm ngũ quả theo Ngũ hành là mâm sẽ gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Số 5 tượng trưng cho Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh, nói lên những mong muốn đạt được trong năm mới, đồng thời cũng đại diện cho ngũ phúc: Giàu có - Sang trọng - Sống lâu - Khỏe mạnh - Bình an.

- Các loại quả màu đỏ thường là hồng, táo hoặc thanh long.

- Các loại quả màu trắng thường là mận, đào, lê

- Các loại quả màu xanh thường là chuối, đu đủ, mãng cầu, sung, dừa, dưa hấu…

- Các loại quả màu nâu hoặc vàng như xoài chín, quýt, cam…

- Các loại quả màu đen như nho đen hoặc các quả khác có màu tối, sẫm.

Các loại quả được chọn dựa trên Ngũ hành

Bày mâm ngũ quả theo vùng miền

Mỗi miền sẽ có một phong tục tập quán và quan niệm khác nhau, vì vậy mâm trái cây ngày Tết theo vùng miền phổ biến hơn cách trang trí mâm ngũ quả theo Ngũ hành rất nhiều. Đương nhiên, mỗi miền sẽ có cách chọn quả khác nhau, cùng Mykingdom tìm hiểu sự khác biệt của mâm trái cây 3 miền Việt Nam.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Cách bày biện thường thấy ở các gia đình ở miền Bắc là nải chuối xanh đặt ở dưới cùng tượng trưng cho hành mộc. Ở giữa sẽ có những loại quả cỡ lớn như bưởi màu xanh, phật thủ màu vàng tượng trưng cho hành thổ. Các loại quả khác được điểm xuyết xung quanh như ớt màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, quả đào hoặc lê tượng trưng cho hành kim và nho đen là hành thủy.

Thêm vào đó, người miền Bắc cũng rất chú ý tới số lượng quả. Những loại trái cây được bày biện được chọn theo số lẻ và xếp so le nhau. Trong đó, chuối được bày trên bàn thờ là quan trọng nhất, thường là chuối tiêu già quả nhưng vẫn còn xanh để chưng trong những ngày Tết có thể chín dần và không bị hỏng. Mỗi nải chuối thường có nhiều hơn 20 quả với hình dáng cong cong như bàn tay Phật ngửa lên để ôm được các loại quả khác, biểu tượng cho sự che chở của Phật, mang lại phúc lộc cho gia chủ.

Các loại quả trên mâm được xếp so le với nhau

Mâm ngũ quả miền Nam

Ngược lại với miền Bắc, người miền Nam ít chú ý tới số quả và màu sắc, mà thường chọn quả theo cách phát âm. Mâm ngũ quả miền Nam được bày biện với mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, ước mong một năm mới thật đủ đầy và sung túc. Vì lẽ đó, mâm trái cây chưng Tết cũng tương ứng với 5 loại: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… 

Bên cạnh đó, một số nơi còn chưng thêm quả thơm (dứa) với ước muốn con cháu đầy đàn hay một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn cả năm. Ngày nay, nhiều gia đình muốn mâm quả ngày Tết thêm phong phú thì sẽ thay thành dưa hấu vàng hoặc dưa hấu hình vuông.

Mâm trái cây chưng Tết của miền Nam được dựa vào cách phát âm

Mâm ngũ quả miền Nam sẽ không có quả chuối vì phát âm gần giống "chúi", thể hiện cho sự khó khăn, làm ăn không khấm khá. Miền Nam cũng ít ai chưng quýt, lê, táo với quan niệm "quýt làm cam chịu"; lê, táo (bôm) thì thất bát.

Mâm ngũ quả miền Trung

So với 2 miền đầu cuối Tổ Quốc, người miền Trung có cách bày biện mâm ngũ quả vô cùng đơn giản với quan niệm mùa nào thức nấy, chỉ cần gia chủ thành tâm dâng lên cho tổ tiên là được. Vào ngày Tết, mâm trái cây sẽ có bưởi, dứa được đặt ở cao nhất, xung quanh là các loại quả nhỏ hơn như xoài, thanh long, táo, nho, quýt…

Lưu ý khi lựa chọn quả cho mâm ngũ quả

Để mâm ngũ quả được tươi lâu và đẹp mắt thì bạn cần phải chú ý một số điểm sau:

1. Sau khi mua về, bạn không nên rửa khiến nước đọng nhiều trong các loại quả gây hỏng nhanh. 

2. Nếu vỏ quả bị bụi bẩn thì có thể dùng khăn ẩm để lau qua cho sạch.

3. Khi lau vỏ bưởi có thể thấm vào khăn lau thêm chút nước vôi để vỏ bưởi bóng đẹp lâu hơn, không bị ố vàng.

4. Nếu chưng từ ngày 27, 28 thì nên chọn quả còn xanh để tránh trái cây không còn tươi mới trong dịp Tết.

Dù bày biện như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn chính là lòng hiếu thảo, sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, uống nước nhớ nguồn trong những ngày đầu năm. Đó chính là ý nghĩa tốt đẹp nhất mà phong tục truyền thống để lại cho những người đời sau.

Bạn nên chọn quả còn xanh nếu chưng Tết từ ngày 27, 28

Vậy là Mykingdom đã giúp bạn giải đáp các câu hỏi về mâm ngũ quả ngày Tết rồi. Mâm ngũ quả không chỉ là sự kết hợp hài hòa của các loại trái cây, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, phú quý, và tài lộc trong năm mới. Việc sắp xếp một mâm trái cây với các loại quả phù hợp còn giúp bạn “ghi điểm” trong mắt phụ huynh, tạo nên một không khí vui vẻ trong ngày Tết đấy. Đừng quên ghé chuyên mục Cẩm nang của Mykingdom để học thêm nhiều mẹo hay khác nhé!