Dạy trẻ chơi xếp hình không khó như ba mẹ nghĩ đâu!

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Dạy trẻ chơi xếp hình không khó như ba mẹ nghĩ đâu!

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Dạy trẻ chơi xếp hình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy trẻ cách chơi không gò bó mà vẫn mang lại hiệu quả là điều khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Cùng chúng tôi tham khảo bài viết này để tìm lời giải đáp nhé!

Giới thiệu trò chơi xếp hình từ sớm để dạy trẻ chơi xếp hình

Việc dạy trẻ chơi xếp hình sẽ dễ dàng hơn khi con đã biết đến khái niệm và cách chơi. Bạn nên chọn những loại đồ chơi xếp hình phù hợp với độ tuổi và khả năng của trẻ. Ví dụ như các bộ đồ chơi ít mảnh và có các mảnh to sẽ dành cho các bé dưới 5 tuổi.

Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ, thay vì trực tiếp cho con chơi xếp hình, bạn cần lựa chọn các hoạt động như ghép chữ cái, ghép số, hay đơn giản hơn là sắp xếp tranh ảnh theo thứ tự để trẻ làm quen dần. Trong quá trình dạy trẻ chơi xếp hình, ba mẹ cũng nên đặt câu hỏi và khuyến khích trẻ suy nghĩ để con có cơ hội tự mình tìm ra lời giải. Đồng thời, hãy tạo một môi trường thoải mái và đầy niềm vui để trẻ cảm thấy hứng thú và tham gia tích cực vào việc chơi xếp hình.

Trẻ càng biết tới đồ chơi xếp hình sớm thì bạn càng dễ dạy trẻ chơi xếp hình

Chuyển sang các câu đố khó hơn khi thích hợp

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kỹ năng xếp hình của trẻ, việc nâng cao độ khó của các trò chơi là điều cần thiết. Khi các bộ xếp hình cơ bản không thể làm khó được con nữa, tức là trẻ đã có đủ khả năng và kinh nghiệm để giải quyết các bộ xếp hình này, thì đây chính là thời điểm phù hợp để tăng độ khó lên một chút.

Việc tăng số lượng mảnh ghép hoặc chọn các bộ đồ chơi xếp hình có kích thước các mảnh nhỏ hơn sẽ gây khó khăn cho trẻ, kích thích sự nỗ lực trong con. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dạy trẻ chơi xếp hình bằng cách đưa ra các bộ xếp hình có màu sắc mới lạ để gây trở ngại cho con, hoặc chuyển sang bộ xếp hình có các mảnh ghép hình dạng không đều nhau. Bằng cách áp dụng các yếu tố khác nhau như kích thước, hình dạng và màu sắc, bạn có thể thách thức trí tuệ của trẻ và khuyến khích sự phát triển của trẻ. 

Bạn có thể nâng cao độ khó để trẻ không bị chán

Tăng thêm tính thử thách cho trò chơi xếp hình

Các thử thách cạnh tranh luôn được trẻ em yêu thích vì đó là lúc con có cơ hội chứng tỏ bản thân và khả năng của mình với người xung quanh. Bạn có thể tận dụng điều này để khiến con bạn chăm chỉ trau dồi các kỹ năng trong khi lắp ráp các bộ xếp hình. Đầu tiên, bạn có thể yêu cầu trẻ hoàn thành sản phẩm  mà không cần nhìn vào hướng dẫn. Điều này sẽ khuyến khích trẻ phát triển khả năng tư duy không dựa vào thông tin trực tiếp và rèn luyện khả năng trực quan hóa hình ảnh trong đầu.

Cách thứ 2 để dạy trẻ chơi xếp hình tốt hơn đó là đặt ra giới hạn về thời gian. Sử dụng đồng hồ bấm giờ và yêu cầu trẻ hoàn thành bộ xếp hình trong thời gian ngắn hơn so với trước đây. Áp lực thời gian sẽ khuyến khích trẻ tập trung và tăng tốc độ tư duy của trẻ trong quá trình giải quyết câu đố. Trước khi đưa đồ chơi xếp hình cho trẻ, hãy giấu đi một hoặc hai mảnh ghép. Điều này sẽ khiến việc hoàn thành sản phẩm trở nên khó khăn hơn và yêu cầu trẻ tư duy để khám phá ra bộ sản phẩm đang bị thiếu mảnh ghép.

Các bộ xếp hình thiếu mảnh kích thích trẻ tư duy để tìm ra giải pháp

Bằng cách áp dụng những phương pháp này, bạn sẽ tạo ra những thách thức mới cho trẻ khi chơi xếp hình. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ trong việc tư duy không gian, khả năng tập trung và sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề. Hãy đảm bảo rằng các câu đố vẫn nằm trong khả năng của trẻ, đồng thời cung cấp sự thách thức thích hợp để khuyến khích sự tiến bộ và phát triển của họ.

Xếp hình cùng nhau và đừng quên đưa cho con gợi ý

Khi bạn cùng con bạn tham gia vào việc giải một câu đố, điều này sẽ mang lại rất nhiều niềm vui và động lực cho các bé. Sự hỗ trợ từ bạn sẽ khuyến khích con cố gắng hết sức để hoàn thành câu đố. Đồng thời, đây cũng là cách dễ dàng để tăng cường kết nối gia đình và dành thời gian chất lượng và vui vẻ với nhau. 

Trong trường hợp con bạn gặp khó khăn hoặc cảm thấy bế tắc và không muốn lắp nữa, bạn nên dạy trẻ chơi xếp hình thông qua việc tự mình hoàn thành sản phẩm để tạo dựng sự tự tin cho con. Trẻ sẽ tin tưởng rằng mình cũng có thể lắp ráp xong bộ xếp hình. Bên cạnh đó, bạn có thể cung cấp một số manh mối thay vì can thiệp trực tiếp. Ví dụ, nếu trẻ chưa thể ghép hai mảnh với nhau, bạn có thể hỏi: "Hình như 2 mảnh này không khớp nhau à?" Hoặc nếu con không biết mảnh tiếp theo là gì, bạn có thể gợi ý cho con tiếp tục lắp vào tại các vị trí khác dễ dàng hơn (ví dụ: xếp từ đường viền của bộ xếp hình).

Chơi xếp hình cùng nhau cũng đem lại những khoảnh khắc vui vẻ trong gia đình

Dạy trẻ chơi xếp hình không chỉ mang lại những giây phút giải trí cực kỳ hào hứng, mà còn tăng cường khả năng tập trung cho trẻ, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển khả năng tư duy cho con. Các thành phẩm sau khi lắp xong còn có thể đóng khung lại và trưng bày trên tủ sách, bàn làm việc, hay bàn học… như một vật kỷ niệm khoảng thời gian đáng nhớ và những nỗ lực mà con bỏ ra để hoàn thành sản phẩm này.