Gợi ý cách thực hành Montessori tại nhà cho bé

20.02.2024 BTV dieu.tranthi
Gợi ý cách thực hành Montessori tại nhà cho bé

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Thực hành Montessori ngay tại nhà giúp trẻ phát triển toàn diện và học hỏi nhiều kỹ năng hơn trong cả quá trình tìm hiểu. Qua đó, trẻ em sẽ trở nên tự tin, có chính kiến và có khả năng tự chăm sóc cho bản thân.

Phương pháp Montessori là gì?

Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870-1952). Cách giáo dục đặc biệt này tập trung vào quá trình học thông qua các trải nghiệm cảm giác. Vào năm 1907, bà Montessori đã phát hiện rằng trẻ em rất hứng thú với các đồ dùng và vật liệu được thiết kế để kích thích giác quan. Tiến sĩ Montessori tiếp tục phát triển các phương pháp giảng dạy đặc biệt, được sử dụng cho trẻ em trong một môi trường thích hợp và tôn trọng những đặc điểm riêng của từng đứa trẻ.

Phương pháp Montessori tôn trọng sự độc nhất của mỗi đứa trẻ

Phương pháp Montessori chấp nhận sự độc nhất vô nhị của mỗi đứa trẻ và cho phép trẻ phát triển dựa trên khả năng và thời gian riêng của mình. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, do bản năng và sự nhạy cảm đặc biệt của trẻ em ở độ tuổi này đối với các yếu tố trong môi trường xung quanh.

Phương pháp luyện tập Montessori

Rót nước

Đây là hoạt động dành cho các bé từ 2 tuổi, giúp tăng cường sự phối hợp giữa tay và mắt. Bạn cần chuẩn bị 1 chiếc ấm nước bằng nhựa, có kích cỡ vừa tay và trọng lượng nhẹ để con dễ dàng cầm, nắm. Tốt nhất là bạn nên chọn những chiếc ấm và 2 chiếc cốc có màu sắc bắt mắt để thu hút trẻ. Ngoài ra, bạn cần đổ một lượng nước vừa phải vào bình tùy vào khả năng của con và đi kèm đó là 1 chiếc khăn để lau chùi.

Ba mẹ có thể cho con sử dụng bình tưới cây khi con lớn hơn

Cách thực hành Montessori vô cùng đơn giản. Bạn cần khuyến khích trẻ rót nước từ từ vào cốc, sau đó đặt cốc lên bàn. Trong quá trình rót, cần dặn trẻ không nên rót tràn ra ngoài để con tập luyện tốt hơn. Thời gian đầu khi kiểm soát tay chưa tốt, bé thậm chí có thể làm đổ nước ra sàn. Ba mẹ cần hướng dẫn con tự lau nước và lau khô tay, dành không gian để bé tự phát triển.

Trẻ cùng trò chơi gắp củ quả

Chuẩn bị:

-Rau, củ, quả đã được thái nhỏ trên thớt gỗ.

- 2-3 cái bát to (tùy theo yêu cầu phân loại của ba mẹ) để đựng rau củ quả trẻ gắp vào.

- Một dụng cụ gắp rau củ. Bạn nên chọn đũa tập ăn hoặc nĩa nhựa để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hướng dẫn thực hành Montessori:

Ba mẹ có thể thái các loại rau củ khác nhau theo kích cỡ phù hợp với độ tuổi và sự khéo léo của trẻ, khi thái nên để trẻ đứng bên cạnh và giới thiệu với trẻ tên của từng loại rau củ quả. Làm mẫu cho trẻ cách dùng dụng cụ gắp rau củ để gắp từ thớt gỗ vào bát lớn. Để trẻ thực hiện cho đến khi gắp hết rau củ từ thớt vào bát. 

Thực hành Montessori gắp rau củ quả giúp con học cách quý trọng đồ ăn

Hoạt động này giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng quan trọng. Trước hết, việc thái rau củ quả sẽ giúp trẻ nhận biết và nhớ tên của từng loại rau củ quả. Bằng cách tiếp xúc trực tiếp và tham gia vào quá trình thái, trẻ sẽ nắm vững từ vựng và khái niệm về các loại rau củ quả. Đồng thời, trẻ cũng sẽ phát triển khả năng quan sát, nhận diện và phân biệt các loại rau củ quả dựa trên hình dạng, màu sắc và kích thước. Qua đó khi ba mẹ tập cho con ăn một loại rau củ mới, con sẽ không từ chối ngay lập tức. 

Tiếp theo, hoạt động gắp rau củ quả sử dụng dụng cụ gắp sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng cầm nắm và sự linh hoạt của các ngón tay. Trẻ cần tập trung và sử dụng đúng sức mạnh và kỹ thuật để gắp và kiểm soát chính xác các mẩu rau củ. Điều này rèn luyện sự khéo léo, linh hoạt và phát triển kỹ năng vận động tinh.

Khi mới bắt đầu, ba mẹ có thể yêu cầu con phân chia rau củ theo màu. Sau đó tăng dần độ khó lên bằng cách phân loại riêng rau, củ, quả vào từng bát. Cách thực hành Montessori này sẽ giúp con quen dần với việc phân loại, phát triển kỹ năng tư duy khi sắp xếp, đồng thời đặt nền móng cho sự tự tin và độc lập của trẻ sau này.

Chơi với cát

Cát là đồ chơi tuyệt vời giúp phát triển vận động tinh và sự pha trộn màu sắc. Sử dụng Bộ cát, dụng cụ và khay chơi cát như một công cụ hỗ trợ thực hành Montessori cũng là một lựa chọn tốt. 

Chuẩn bị:

- Cát đã qua xử lý có màu sắc đẹp mắt để thu hút trẻ

- Khuôn định hình

- Xẻng xúc cát

- Khay chơi cát có các hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Chơi cát góp phần phát triển xúc giác và sự linh hoạt của tay

Hướng dẫn thực hiện:

- Trẻ có thể tự do tạo hình cát bằng tay hoặc bằng khuôn theo cách mà mình muốn.

- Ba mẹ có thể làm mẫu, hướng dẫn trẻ nhồi đầy cát vào khuôn sau đó úp ngược lại để đổ cát ra. Đồng thời cũng có thể sử dụng khay tạo hình để cho ra các thành phẩm với nhiều kiểu dáng mới lạ. Sau đó, ba mẹ cần để con tự mình mày mò và làm theo chứ không chỉ dẫn từng bước.

Đặc điểm của phương pháp

Phương pháp Montessori đặc trưng bởi việc tôn trọng và khuyến khích sự tự do và độc lập của trẻ trong việc chọn hoạt động. Tuy nhiên, việc tự do này cũng giới hạn trong 1 khuôn khổ nhất định, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của con trẻ. Quá trình này giúp trẻ phát triển khả năng lựa chọn, quyết định và kiểm soát bản thân, từ đó hình thành tính tự lập và sự tự tin.

Một đặc điểm quan trọng khác của phương pháp Montessori là trẻ không bị gián đoạn hoặc làm phiền trong quá trình làm việc của mình. Vậy nên trẻ có thể tập trung vào hoạt động của mình mà không bị xao nhãng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để con khám phá và phát triển các kỹ năng.

Để thực hành Montessori, bạn cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho con

Trong phương pháp Montessori, học sinh không chỉ học khái niệm và kiến thức thông qua việc nghe giảng hoặc chỉ dẫn trực tiếp từ giáo viên. Thay vào đó, trẻ được khuyến khích tham gia vào các trải nghiệm thực tế với các đồ dùng giáo dục, mô hình và tài liệu khám phá, xây dựng. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, khám phá và giải quyết vấn đề. Thực hành Montessori đã trở thành một phương pháp giáo dục tiên tiến và độc đáo, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ em.